Trì hoãn

Bất kì ai trong chúng ta cũng có vấn đề với sự trì hoãn. Bạn muốn bắt đầu chạy bộ, quyết tâm dậy sớm, lên kế hoạch học Tiếng Anh. Nhưng rồi ngày mai cứ kéo dài mãi, và những dự định tốt đẹp vẫn chỉ nằm trên giấy. Bạn không đơn độc, trì hoãn là một căn bệnh phổ biến, và tất cả chúng ta đều có lý do cho nó.

Trì hoãn, hiểu một cách đơn giản, là thay vì lựa chọn thực hiện một hành động mà bạn biết là có lợi, bạn lại chọn làm một việc dễ dàng hoặc dễ chịu hơn trong hiện tại. Nó không chỉ đơn thuần là "lười biếng", mà là một cơ chế tâm lý, trong đó não bộ tìm cách tránh né những cảm giác khó chịu ngắn hạn, ngay cả khi điều đó gây hại về lâu dài.

Trong bài viết này, khi nói đến “trì hoãn”, chúng ta không chỉ đang nói đến việc "chậm trễ làm việc" mà là một xu hướng mang tính hệ thống, ăn sâu vào cách vận hành của não bộ con người – một xung đột giữa phần lý trí và phần cảm xúc. Vì vậy, vượt qua sự trì hoãn không chỉ là vấn đề của kỷ luật hay quyết tâm, mà còn là hiểu đúng bản chất của nó để đối phó một cách phù hợp.

Bản chất

Khi bạn nghĩ đến việc làm một điều gì đó hơi khó – ví dụ như rời khỏi giường vào mùa đông để ngồi vào bàn học – ngay lập tức, não bộ bạn sẽ báo động. Vùng não cảm xúc, vốn nhạy cảm với những trải nghiệm đau khổ và khó chịu, sẽ được kích hoạt. Và một cách tự nhiên, bộ não thương thân của bạn sẽ tìm mọi cách để chấm dứt kích thích đau khổ này. Nó sẽ dụ dỗ bạn bằng những suy nghĩ dễ chịu hơn: Thôi ngủ thêm chút nữa thôi, bài để sau cũng được.

Nhưng sự thật là gì? Thực tế đã chứng minh, cảm giác khó chịu ban đầu thường biến mất rất nhanh. Chỉ cần bạn lết được ra khỏi giường, ngồi vào bàn và học được một lúc, cái cảm giác muốn đắp chăn ngủ tiếp sẽ tan biến. Thay vào đó, bạn sẽ cảm thấy muốn ngồi học tiếp để hoàn thành bài tập. Điều khó khăn nhất, thực ra, chỉ là lết ra khỏi giường mà thôi.

Vậy tại sao não bộ lại xúi giục chúng ta trì hoãn một cách hoàn toàn tự nhiên như vậy? Đơn giản thôi, vì nó được thiết kế để hoạt động như vậy. Để hiểu rõ hơn, hãy cùng nhau tưởng tượng một chút.

Bạn là một con hươu nhỏ giữa khu rừng hoang dã.

  • Khi bạn khát nước, bạn chạy ngay ra suối uống nước. (Khát -> Uống nước = Hết khát NGAY)
  • Khi bạn đói, bạn đi kiếm cỏ hoặc lá cây để ăn. (Đói -> Ăn = No bụng NGAY)
  • Khi gặp hổ, bạn bỏ chạy thục mạng. (Thấy hổ -> Chạy = Thoát chết NGAY)

Mọi quyết định của bạn, trong thế giới của chú hươu, đều mang lại ẢNH HƯỞNG NGAY LẬP TỨC đến sự sống còn. Đây chính là môi trường mà các nhà khoa học gọi là Môi trường phần thưởng tức thì (Immediate Return Environment). Bởi vì, trong môi trường này, mọi hành động, mọi quyết định của bạn đều mang lại kết quả rõ ràng, ngay lập tức.

Nhưng hiện thực tàn khốc là gì? Bạn không phải là chú hươu bé nhỏ trong khu rừng nữa. Bạn là một thanh niên hiện đại, khỏe mạnh, sống ở thế kỷ 21. Và trong xã hội hiện đại, những hành động và quyết định của bạn HIẾM KHI MANG LẠI LỢI ÍCH NGAY LẬP TỨC như chú hươu kia.

  • Nếu mỗi ngày bạn học thêm 5 từ Tiếng Anh mới, thì phải MỘT THÁNG SAU bạn mới bắt đầu cảm nhận được sự tiến bộ. (Học từ vựng -> 1 tháng -> Tiến bộ)
  • Nếu sáng mai bạn bắt đầu đến phòng gym và ăn uống điều độ, thì phải BA THÁNG SAU bạn mới thấy sự thay đổi rõ rệt ở cơ thể mình. (Tập gym, ăn uống -> 3 tháng -> Thay đổi cơ thể)
  • Bây giờ bạn bắt đầu để dành tiền tiết kiệm, thì phải 30 NĂM NỮA, lúc về hưu, bạn mới có tiền dưỡng già. (Tiết kiệm -> 30 năm -> Tiền dưỡng già)

Đây chính là vấn đề cốt lõi của sự trì hoãn. Chúng ta đang sống trong một môi trường hoàn toàn khác với môi trường mà não bộ chúng ta được thiết kế để hoạt động hiệu quả. Môi trường phần thưởng trì hoãn (Delayed Return Environment).

Não bộ của chúng ta, đặc biệt là phần neocortex (vùng não phát triển nhất, chịu trách nhiệm cho những tác vụ phức tạp như ngôn ngữ và khoa học), về cơ bản vẫn là bộ não của người tinh khôn cách đây 200.000 năm. Trong khi đó, xã hội loài người chỉ mới chuyển sang môi trường Delayed Return khoảng 500 năm trở lại đây. Chỉ trong khoảng 500 năm ngắn ngủi, xã hội loài người đã chứng kiến những tiến bộ vượt bậc: xe hơi, máy bay, TV, máy tính, Internet.

Có quá nhiều thứ đã phát triển vượt bậc trong vài trăm năm, nhưng xét trên thang thời gian tiến hóa, 500 năm gần như vô nghĩa. Não bộ chúng ta đã trải qua hàng trăm nghìn năm tiến hóa để tối ưu hóa cho môi trường Immediate Return, và đột nhiên, chúng ta ném nó vào môi trường Delayed Return. Tất nhiên là nó không đỡ nổi vì nó được lập trình để ưu tiên những quyết định mang lại lợi ích NGAY LẬP TỨC.

Khi bạn muốn dậy sớm chạy bộ, não bộ khờ khạo của bạn không thể thấy được lợi ích của việc này. Nó chỉ có thể cảm nhận được sức khỏe tốt hơn, cơ thể dẻo dai hơn sau MỘT THÁNG nữa. Vì vậy, nó sẽ xúi giục bạn đưa ra quyết định mà nó có thể cảm nhận lợi ích NGAY LẬP TỨC: trùm chăn ngủ.

Về mặt lý trí, chúng ta vẫn biết rõ điều gì là tốt, điều gì nên làm. Ai trong chúng ta cũng từng có những đêm trằn trọc, tự thề thốt ngày mai sẽ dậy sớm, ai cũng có những kế hoạch chi tiết cho tương lai. Nhưng cuối cùng, phần lớn chúng ta vẫn lực bất tòng tâm, không thể thực hiện được những điều mình đã vạch ra. Có bao nhiêu sinh viên ý thức được tầm quan trọng của Tiếng Anh, nhưng cuối cùng, chỉ một số ít thực sự chinh phục được nó khi tốt nghiệp?

Nhưng liệu mọi thứ có dừng lại ở việc chinh phục những mục tiêu ngắn hạn? Khi chúng ta hiểu chinh phục ở đây là đạt được một mục tiêu cụ thể, thì khi đạt được mục tiêu đó, mọi thứ có thực sự kết thúc? Trong thế giới hiện đại, khi mà rất nhiều quyết định và hành động cần sự tính toán, lập kế hoạch, thực hiện, và duy trì trong một hệ thống liên tục, suốt đời, sự trì hoãn càng trở nên nham hiểm hơn.

Khi chúng ta cân đo đong đếm giữa lợi ích của việc trì hoãn và không trì hoãn, khi áp dụng ván cược của Pascal, chúng ta nhận ra rằng, không phải là việc trì hoãn lợi bất cập hại, mà phần lợi của sự trì hoãn thực sự chưa bao giờ tồn tại. Những người trì hoãn luôn tìm ra những cái cớ và tự lừa dối bản thân về sự trì hoãn của mình. Giống như người nghiện thuốc lá luôn tự biện minh cho điếu thuốc lá của họ.

Trì hoãn và ý chí

Như đã đề cập, cảm giác "lười" thường sẽ dịu đi một khi bạn thực sự bắt đầu hành động. Đến thời điểm này, nhiều người sẽ nghĩ đến việc sử dụng ý chí như một công cụ để vượt qua sự trì hoãn, và đây là một suy nghĩ không hoàn toàn sai. Ý chí có thể đóng vai trò như bàn đạp, giúp bạn vượt qua quán tính và bắt đầu thực hiện những hành động mà lý trí mách bảo.

Hãy hình dung bạn đang cố gắng đẩy một chiếc xe đang chết máy. Ban đầu, bạn cần một lực đẩy rất lớn để chiếc xe bắt đầu di chuyển. Đó chính là vai trò của ý chí trong việc chiến thắng sự trì hoãn. Nó giúp bạn "lết" ra khỏi giường, ngồi vào bàn học, hoặc xỏ giày để chạy bộ, bất chấp những thôi thúc muốn trì hoãn. Tuy nhiên, giống như việc bạn không thể cứ mãi dùng sức đẩy để duy trì tốc độ của chiếc xe, ý chí không phải là một giải pháp bền vững cho sự trì hoãn. Bộ não của chúng ta luôn có xu hướng ưu tiên những lựa chọn dễ dàng và mang lại cảm giác thoải mái tức thì. Việc liên tục sử dụng ý chí để chống lại những thôi thúc này sẽ tiêu hao một nguồn năng lượng tinh thần quý giá.

Ý chí giống như một nguồn tài nguyên hữu hạn. Nếu bạn liên tục phải dựa vào ý chí để cưỡng lại những phản ứng tự nhiên của cơ thể — như trì hoãn, lười biếng hay né tránh — bạn sẽ dần cảm thấy mệt mỏi, cạn kiệt năng lượng và cuối cùng là bỏ cuộc. Bởi lẽ, mỗi lần bạn ép mình hành động là một lần bạn đang nhìn nhận điều đó như một gánh nặng, một sự cưỡng chế, chứ không phải là lựa chọn tự nguyện từ bên trong.

Chấp nhận

Vậy thì điều gì mới là chìa khóa để vượt qua sự trì hoãn về lâu dài? Đó là đừng có vượt qua nó.

Chúng ta cần học cách chấp nhận sự trì hoãn như một phản ứng tự nhiên của cơ thể, chứ không phải là một kẻ thù cần bị đánh bại. Bởi lẽ, đó chính là bản chất thật sự của cái gọi là “trì hoãn”. Giống như vào một buổi sáng lạnh giá, khi bạn đang cuộn mình trong chăn ấm nhưng lại cần phải ra khỏi giường — thay vì nghĩ “Mình nên nuông chiều bản thân thêm chút nữa” — hãy nhìn thẳng vào sự thật và thừa nhận: “Việc mình muốn tiếp tục nằm thêm không phải vì mình lười hay mình muốn vậy, mà chỉ đơn giản là cơ thể đang phản ứng theo bản năng: chọn điều dễ hơn và mang lại cảm giác dễ chịu ngay lập tức.”

Khi bạn nhìn nhận trì hoãn theo cách đó, bạn sẽ không còn bị nó làm cho cảm thấy tội lỗi hay yếu kém nữa. Và chính từ sự chấp nhận ấy, bạn mở ra cánh cửa để thay đổi — không phải bằng cách ép buộc, mà bằng sự thấu hiểu.

Đó cũng là lý do vì sao việc xây dựng hệ thống và thay đổi nhận thức lại đóng vai trò thiết yếu. Hệ thống giúp bạn tự động hóa những hành động tích cực, khiến chúng trở nên tự nhiên như việc đánh răng mỗi sáng — bạn không cần phải đấu tranh hay dùng ý chí quá nhiều. Còn nhận thức đúng đắn sẽ giúp bạn nhìn những việc cần làm không còn là gánh nặng, mà là một phần của lối sống bạn tự nguyện lựa chọn và thấy có ý nghĩa.