Phương pháp giản lược
Mục tiêu của cuốn sách này là dẫn dắt bạn đến một tư duy hoàn toàn mới. Không giống như kha khá các cuốn sách về phát triển bản thân ngoài kia - khiến bạn cảm thấy như đang leo lên đỉnh Everest rồi phải trải qua cảm giác mệt mỏi, áp lực và sự nản lòng dày vò khi mục tiêu không thành - bạn sẽ bắt đầu ngay lập tức với một tâm thế hoàn toàn khác.
Để vận hành cuộc sống đầy biến động và bất định này, ta cần một hệ thống đủ vững chắc. Như đã được đề cập ở chương trước. Hệ thống là chúa tể vận hành chúng ta cả thảy. Ai cũng mang trong mình một hệ thống, tuy cách vận hành mỗi người một khác, song không thể nói rằng ai đó là người không có hệ thống được. Trong cuốn sách này, từ hệ thống sẽ được dùng để chỉ chuỗi hành động lặp đi lặp lại và có chủ đích để hướng đến tầm nhìn của bản thân hay đơn giản là “Tổ hợp thói quen dẫn bạn tới mục tiêu.” Vì vậy, thói quen sẽ đóng vai trò cốt lõi trong quá trình phát triển của hệ thống. Hệ thống chỉ hiệu quả khi bạn thực hiện nó một cách đều đặn và không bị gián đoạn.
Con người, xét cho cùng, vẫn là một loài động vật — và chúng ta không được thiết kế để xử lý những nhiệm vụ phức tạp, thay đổi liên tục như xã hội hiện đại đòi hỏi. Sự phát triển nhanh chóng của thế giới không đi kèm với sự tiến hóa tương ứng trong tâm trí loài người, dẫn đến muôn vàn hệ lụy. Trong bối cảnh đó, xã hội hiện đại lại đòi hỏi con người phải rèn luyện những phẩm chất gần như đi ngược lại với bản năng tự nhiên: kiên trì, kỷ luật, khả năng kiểm soát bản thân, vượt qua cám dỗ, làm việc bền bỉ theo kế hoạch. Những đức tính này mang lại lợi ích không nhỏ — điều mà ai cũng biết.
Vấn đề là: biết rồi, nhưng tại sao vẫn không làm được? Vì sao ta vẫn trì hoãn, vẫn lười, vẫn lặp đi lặp lại những thói quen xấu? Nhiều người vội vàng quy kết nguyên nhân là do “thiếu kỷ luật”, “thiếu ý chí”, hoặc “không đủ bền bỉ”. Nhưng thực ra, chính cách tiếp cận như vậy mới đang khiến ta mãi mắc kẹt trong vòng luẩn quẩn.
Hãy lấy một ví dụ đơn giản: Khi bạn để điện thoại (thông minh) ở ngay cạnh bàn học và với thói quen cứ chán tay lại lấy điện thoại ra sử dụng thì trong trường hợp đó bạn sẽ:
- Dùng hết sức mạnh ý chí, tính kỉ luật để ngăn mình không cầm điện thoại lên.
- Không sử dụng và cảm thấy không cần sử dụng.
Đây chính là vấn đề của rất nhiều những người đi theo "phát triển bản thân": Quá ỷ lại vào những nguồn lực hữu hạn như ý chí hay động lực. Có thể trong một phút nhiệt huyết, bạn sẽ muốn xây dựng cả cơ nghiệp và để rồi mọi thứ cũng chỉ dừng lại ở ý tưởng và nhiệt huyết tiêu tan.
Đầu tiên, chúng ta sẽ loại bỏ những ngụy biện và ảo tưởng này. Trên thực tế, bạn sẽ sớm nhận ra rằng bạn không cần phải vật lộn để chống lại những thứ đó nữa. Không chỉ vậy, còn có những lợi ích tích cực khác đang chờ đón. Một khi những góc nhìn sai lệch về những yếu tố cản trở việc tạo ra quá trình được xóa bỏ, chúng ta sẽ quay lại nói tiếp về những phương pháp về hệ thống giúp bạn tạo ra quá trình và đạt đến những tầm nhìn. Những nhận thức này sẽ trở thành những điểm cộng giúp bạn đi đến được tầm nhìn của bản thân.