Giới thiệu
Đây là một cuốn sách “mã nguồn mở” – không chỉ bởi vì bạn có thể đọc nó miễn phí, mà còn vì nó có thể được cập nhật, bổ sung và hoàn thiện liên tục như chính quá trình phát triển bản thân vậy.
Cuốn sách này sẽ giúp bạn bắt đầu xây dựng được một hệ thống để vận hành cuộc đời của chính bạn. Việc xây dựng một hệ thống cũng tương tự như khi mở khoá mật mã vậy, bạn sẽ cần phải nhập số theo đúng thứ tự. Với việc xây dựng hệ thống thì điều này cũng tương tự.
Trong không ít các hướng dẫn về phát triển bản thân (mà cá nhân mình đã được đọc), có hai xu hướng thường thấy. Một hướng tập trung khơi gợi ngọn lửa nhiệt huyết thông qua những câu chuyện thành công, cổ vũ tinh thần bằng sức mạnh của ý chí, với niềm tin "Chỉ cần nỗ lực, ắt sẽ thành công". Hướng còn lại nghiêng về việc khám phá những quy luật của tâm lý, tìm hiểu cặn kẽ các tri thức về quá trình học hỏi và nhận thức của mỗi cá nhân. Cả hai lối tiếp cận này đều mang trong mình những giá trị riêng, song dường như vẫn còn thiếu vắng một cái nhìn bao quát, một sự thấu hiểu sâu sắc về nguyên lý vận hành của toàn bộ quá trình tự hoàn thiện, mà thường chỉ tập trung giải quyết những vấn đề mang tính cục bộ.
Một số tác phẩm đã chạm tới tư duy hệ thống này, chẳng hạn như cuốn Óc Sáng Suốt của học giả Nguyễn Duy Cần hay cuốn "Atomic Habit" của James Clear. Trong Óc sáng suốt, Nguyễn Duy Cần đề cập đến bản đồ – tức một quy trình từng bước để tránh cho tâm trí bị lầm lạc. Dù không dùng từ ‘hệ thống’, song tư tưởng này chính là nền tảng cho lối tư duy vận hành có chủ đích. James Clear thì gọi thẳng tên nó là hệ thống. Ông phân biệt rõ giữa “mục tiêu” và “hệ thống”: mục tiêu là cái đích, còn hệ thống là cách bạn sống mỗi ngày để đến được đó. Chính hệ thống mới là yếu tố chi phối sâu sắc cuộc sống của mỗi chúng ta. Hãy thử hình dung sự khác biệt giữa hai phương thức duy trì sự ngăn nắp trong căn phòng:
Phương thức thứ nhất: Chờ đến khi mọi thứ trở nên bề bộn rồi mới bắt tay vào dọn dẹp, trả lại vẻ gọn gàng cho không gian sống, và quy trình này lặp lại mỗi khi sự bừa bộn tái diễn.
Phương thức thứ hai: Thiết lập và duy trì một bản đồ (thói quen) giữ gìn trật tự hàng ngày, mọi vật dụng đều được sắp xếp đúng vị trí, và nếp sống này được duy trì như một phần tất yếu của cuộc sống.
Phần lớn những người tôi biết có lẽ sẽ nghiêng về phương thức đầu tiên. Đây chính là sự khác biệt căn bản giữa Mục tiêu và Hệ thống, một luận điểm được James Clear trình bày một cách sâu sắc. Và cũng chính Hệ thống sẽ là kim chỉ nam cho toàn bộ hành trình khám phá trong cuốn sách này. Mặc dù "Atomic Habit" chủ yếu tập trung vào thói quen, chưa đi sâu vào cấu trúc và vận hành của một hệ thống toàn diện, nhưng ý tưởng về hệ thống mà cuốn sách mang lại thực sự xứng đáng được viết ra một cuốn sách khác. Đó cũng chính là lý do mà cuốn sách này ra đời.
Trong quá trình xây dựng hệ thống, bạn sẽ sớm gặp phải những trở ngại quen thuộc: lười biếng, trì hoãn, mất động lực, nghiện các kích thích nhanh (điện thoại, đồ ăn vặt, mạng xã hội…). Phương pháp thường được dùng để xử lý các vấn đề này là sử dụng Ý CHÍ, một nguồn tài nguyên hữu hạn và dễ bị suy kiệt. Chúng ta dành phần lớn thời gian để tự ép mình chống lại những cám dỗ như điện thoại thông minh (Smartphone không có lỗi, điều này sẽ được chứng minh thêm trong các chương sau), ăn đồ ăn vặt và tương tự. Một câu hỏi có thể được đặt ra là: "Bạn có thể sử dụng ý chí đến suốt cuộc đời mình không?".
Vậy, nếu chỉ dựa vào ý chí là không đủ – thì điều gì đang thực sự diễn ra bên trong ta khi đối mặt với cám dỗ, trì hoãn, những thói quen xấu và trên hết, NGHIỆN? Rất nhiều vấn đề nằm ở khía cạnh tâm lý. Nhưng thay vì nhìn vào đó, ta lại thường buông vài câu quen thuộc: Tôi lười, Tôi thiếu kỷ luật, Tôi không có động lực, Tính tôi nó vậy... Những lời giải thích nghe có vẻ đúng – nhưng thực ra chỉ là lớp vỏ tiện lợi mà xã hội (và cả chính ta) gán lên để nhanh chóng dán nhãn cho một trạng thái mà ta chưa hiểu rõ. Tại sao ta lại cảm thấy lười? Tại sao ta trì hoãn? Tại sao ta nghiện cái X? Tại sao không thể bắt đầu nổi dù đã đặt ra đủ thứ mục tiêu? Những câu trả lời “thô sơ” như vì mình không chăm, vì mình chán, vì mình lười bẩm sinh – đều là ngụy biện. Nghe có vẻ hợp lý, nhưng bịp như nhau cả. Nếu bạn thực sự hiểu bản chất của trì hoãn hay thiếu động lực, thì bạn đã không còn bị nó kiểm soát nữa rồi. Hãy tự hỏi: Nếu mình thực sự hiểu, tại sao mình vẫn mắc kẹt?
Bạn đã bao giờ tự hỏi: Tại sao người nghiện thuốc lá lại nghiện?
Họ có sinh ra đã thèm nicotine không? Hay họ thức dậy một ngày đẹp trời và bỗng nhiên không thể sống thiếu thuốc? Không. Họ phải hút đi hút lại nhiều lần trước khi nghiện xảy ra. Điều đó có nghĩa là lần đầu tiên họ hút không phải vì nghiện, mà vì một lý do khác – một lý do mà họ tưởng là đúng. Có thể là vì tò mò, vì thấy người khác cũng hút, vì nghĩ rằng nó giúp giảm căng thẳng... Nhưng khi niềm tin ban đầu này sai lầm, nó kéo theo một chuỗi hệ quả sai lầm: tôi cần thuốc để thư giãn, tôi phải hút khi stress, bỏ thuốc là cực hình...
Và nếu những niềm tin đó không có thật? Nếu tất cả chỉ là một hệ thống ảo tưởng – khiến người nghiện không nhận ra rằng mình đang bị mắc bẫy? Đó là lý do tại sao nhiều người cố bỏ thuốc bằng cách chống chọi cơn thèm, ra sức kiềm chế, để rồi lại ngựa quen đường cũ thì sẽ chẳng đi đến đâu cả.
Chúng ta thường nghĩ rằng “lười”, “thiếu kỷ luật” hay “trì hoãn” là vấn đề của ý chí. Không thể phủ nhận rằng ý chí là một yếu tố quan trọng – nhưng nó không và chưa bao giờ là tất cả trong toàn bộ quá trình. Nếu ta hiểu sai ngay từ đầu về bản chất của “lười” hay “nghiện”, thì dù ta có gồng mình đến đâu, ta cũng chỉ đang cố phá một cánh cửa giả, trong khi lối ra thật sự nằm ở chỗ khác. Khi ta càng cố ép bản thân “phải kỷ luật hơn, phải chăm chỉ hơn” mà không thực sự hiểu vì sao mình lại lười, vì sao mình lại trì hoãn, thì ta càng dễ rơi vào vòng xoáy tự trách – rồi buông xuôi.
Không phải do ta không đủ mạnh mẽ. Mà là vì ta đang chơi một trò chơi mà ngay từ đầu ta đã không hiểu luật.
Cuốn sách này không hướng dẫn bạn từng bước xây dựng hệ thống, mà tập trung phá bỏ những thành kiến và niềm tin sai lệch – vốn là chướng ngại lớn nhất trong quá trình ấy. Có rất nhiều các cuốn sách kia đã làm điều đó và chắc chắn làm tốt hơn khả năng mình có thể. Tiêu biểu có thể kể đến như bộ sách Học làm người của bác Thu Giang - Nguyễn Duy Cần hay cuốn Thói quen nguyên tử của James Clear.
Tư tưởng trong cuốn sách này – và cả chính mình – chịu ảnh hưởng lớn từ những gì mình từng đọc và áp dụng vào cuộc sống (Một số tài liệu tham khảo sẽ được giới thiệu ở phần cuối cuốn sách). Hy vọng những ghi chép này sẽ phần nào hữu ích cho bạn – như cách nó đã từng hữu ích với mình.
Một số cuốn sách khác
Về cơ bản cuốn sách này sẽ là sự kết hợp giữa nhiều ý tưởng từ các cuốn sách khác nhau. Mặc dù cá nhân mình cũng không đảm bảo sẽ truyền tải được tốt các tư tưởng trong các cuốn sách dưới đây:
- Allen Carr's EasyWay to Smoking của Allen Carr: Ý tưởng về thoát nghiện của bác, cũng như từ cuốn Rational Recovery của Jack Trimpey thực sự mang tính cách mạng. Mình cũng áp dụng một phần không nhỏ những điều này trong cuốn sách.
- Atomic Habit của James Clear: Ý tưởng nhen nhóm về sự tồn tại của Hệ thống, về Nhân dạng (Identity) cũng là nền tảng cho quá trình phát triển của cuốn sách.
- A Mind For Numbers của Barbara Oakley: Những ý tưởng về cơ chế hoạt động của não bộ và những cái hiểu cơ bản trong một số vấn đề như Trì hoãn cũng sẽ được truyền đạt lại trong cuốn sách này.
- Óc sáng suốt của Thu Giang - Nguyễn Duy Cần: Quá trình tư duy của bác cũng được mình áp dụng trong sách, mong là nó truyền tải được tới mọi người.
- The Soft Addiction Solution của Judith Wright: Khái niệm về Nghiện mềm cũng bắt đầu từ cuốn sách này.
- Thinking Fast and Slow của Daniel Kahneman: Mình dựa vào cuốn sách này để hiểu hơn về quá trình hoạt động của não bộ.