Chương 3: Vì sao bỏ porn lại khó đến vậy?
Hầu như ai nghiện porn cũng có cảm giác như bị quỷ ám. Vào thời gian đầu, nó chỉ đơn giản là "Tôi sẽ dừng xem porn lại, chỉ là không phải hôm nay". Để rồi dần dà, chúng ta tin rằng mình không đủ ý chí để dừng xem porn, hoặc ảo tưởng rằng porn là thứ không thể thiếu để tận hưởng cuộc sống. Nghiện porn giống như đang cố trèo ra khỏi một cái hố trơn trượt: khi gần tới miệng hố, ta bắt đầu thấy ánh nắng, nhưng rồi lại trượt xuống khi tâm trạng tụt dốc. Cuối cùng, bạn mở trình duyệt, thủ dâm, rồi cảm thấy bản thân thật tệ hại.
Hãy thử hỏi một người tiêu thụ porn mà không tin rằng porn làm tổn thương não bộ hoặc sự điều tiết của các thụ thể dopamine rằng: "Bạn có khuyến khích con mình xem porn không?". "KHÔNG BAO GIỜ!" sẽ là câu trả lời.
Porn là một nghịch lý kỳ lạ. Như đã nói trước đó, vấn đề không nằm ở chỗ vì sao việc bỏ lại nó lại dễ, mà là vì sao ta lại thấy khó bỏ đến vậy. Vấn đề thực sự là giải thích tại sao mọi người vẫn tiếp tục xem porn ngay cả khi đã nhận thức được các tổn hại mà nó gây ra cho não bộ. Một phần lý do là bởi có hàng chục triệu người cũng đang xem, và chính điều đó khiến ta cảm thấy nó là bình thường. Nhưng trớ trêu thay, hầu hết những người ấy đều ước gì mình chưa từng bắt đầu, vì họ cảm thấy cuộc sống như bị bóp nghẹt, không bao giờ chạm tới được cảm giác toàn vẹn. Thế mà ta vẫn không tin họ thực sự không hạnh phúc. Ta gắn việc xem porn với sự tự do, coi nó như thể là một đặc quyền của việc được giáo dục giới tính, và rồi miệt mài tự nhốt mình vào cái bẫy ấy Chúng ta sau đó sẽ dành phần đời còn lại của mình để ngăn người khác không thử và cố gắng tự mình dừng xem porn — nghĩ rằng mình là kẻ hiếm hoi gặp chuyện này, trong khi sự thật là ai cũng giống nhau cả.
Chúng ta cũng dành phần lớn thời gian chìm đắm trong tuyệt vọng và đau khổ. Việc "giáo dục" bản thân bằng những kích thích siêu thường khiến chúng ta mê mẩn và khao khát những hình ảnh vô tri, kể cả khi bên cạnh đó đã có những con người ấm áp bằng xương bằng thịt. Cơn sóng dopamine lên xuống liên tục do PMO tạo ra giống như bản án tự tuyên cho chính mình: sống trong cô lập, cáu gắt, giận dữ, căng thẳng, mệt mỏi và rối loạn tình dục. Porn – thứ tách rời khỏi những điều tuyệt vời nhất của tình dục và sự kết nối – rốt cuộc chỉ để lại cảm giác trống rỗng và tội lỗi.
Trên thực tế, việc đọc về khả năng gây nghiện và sức tàn phá của porn ở trong cuốn sách này và trên các trang khác chỉ khiến ta thêm lo lắng và tuyệt vọng hơn. Cái loại "sở thích" gì mà khi chúng ta làm thì chúng ta ước đã không làm, còn khi chúng ta không làm thì lại trở nên khao khát và thèm muốn được làm? Họ khinh bỉ bản thân mình mỗi khi đọc về tình trạng thiếu thẳng thắn và vô cảm, mỗi khi quay tay sau lưng người yêu hay vợ/chồng mình, mỗi khi họ không còn sức để tập thể thao sau khi vắt kiệt sức cho porn và thủ dâm. Một con người thông minh và lý trí ở phương diện khác lại dành cả ngày để tự nhục về bản thân mình. Tệ hơn cả, họ nhận lại được gì khi phải chịu đựng cuộc sống với những bóng đen khủng khiếp dày vò tâm trí? Chẳng được gì cả.
Có thể bạn đang nghĩ rằng "Nghe hợp lý đấy, nhưng một khi bị nghiện thì rất khó để loại bỏ cơn nghiện." Nhưng tại sao nó lại khó như vậy? Một số người cho rằng đó là do các triệu chứng cai nghiện mạnh (withdrawal symptoms), nhưng rồi bạn sẽ sớm nhận ra, những triệu chứng cai nghiện thực sự không đáng kể. Nên bạn sẽ thấy những người nghiện đã sống và chết để rồi chẳng nhận ra bản thân họ là những người nghiện.
Một số người cho rằng porn miễn phí và con người nên nhận lấy ân hưởng về mặt sinh học này, nhưng điều này hoàn toàn sai - nó gây nghiện chẳng khác gì ma túy. Thử hỏi một người đã thề rằng họ chỉ thích sách báo khiêu dâm (erotica) xem họ đã từng vượt rào và trải nghiệm 'unsafe porn' (phim khiêu dâm nặng đô) chưa. Nếu họ thành thật thì họ sẽ thú nhận về những lần họ đã vượt rào.
Đấy cũng chẳng phải là do "sở thích". Tôi thích ăn thịt nướng, nhưng chưa tới mức mà ngày nào cũng phải ăn. Với những thứ khác trong cuộc sống, chúng ta tận hưởng chúng khi làm chúng, nhưng chúng ta không ngồi một chỗ và cảm thấy thiếu thốn khi chúng ta không được làm những điều đó.
Có người nói:
"Nó mang tính giáo dục" - Vậy porn đã đóng vai trò trong quá trình trưởng thành của bạn như thế nào?"
"Nó giúp ta thỏa mãn" - Vậy tại sao porn lại khiến bạn bị cô lập và luôn cảm thấy thèm muốn?
"Nó giúp giảm stress" - Thủ dâm xong khiến bạn loại bỏ được hoàn toàn stress từ cuộc sống của mình? Được rồi, chắc là được một tiếng đấy, rồi sau đó đời cũng quay lại vả vào mặt bạn. Vậy thì vấn đề đã được giải quyết chưa?
Nó giúp tôi ngủ ngon - Bạn thực sự cần quay tay để có thể đi vào giấc ngủ? Có rất nhiều những phương pháp được khoa học kiểm chứng giúp chữa chứng mất ngủ và rất nhiều các cách khác nhau nữa.
Nhiều người tin rằng porn giúp giải tỏa sự nhàm chán, nhưng thật ra cảm giác chán là do cách ta nhìn nhận vấn đề. Porn nhanh chóng làm bạn quen với việc luôn phải tìm kiếm cái mới, khiến bạn càng lúc càng dễ chán, đến mức lao vào cuộc truy lùng vô tận để tìm một đoạn clip “vừa đủ kích thích”. Dần dần, não bạn bị lập trình lại để chỉ phản ứng với những gì mới lạ, cực đoan, và cuối cùng là những thứ gây sốc đến phi lý.
Một số nói rằng họ xem porn vì bạn bè của họ và tất cả những người họ biết cũng xem porn. Nếu vậy, hãy cầu nguyện rằng bạn của bạn sẽ không nghĩ đến chuyện tự chặt đầu để chữa đau đầu. Hầu hết người nghiện khi nghĩ về nó đều đi đến kết luận rằng đó chỉ là một thói quen. Đây thực sự không phải là một lời giải thích tốt, nhưng do bạn đã loại bỏ đi tất cả những lời giải thích hợp lý và thông thường khác, lời giải thích này dường như là thứ duy nhất còn sót lại. Khá tiếc là, tất cả đều phi logic như nhau. Ngày nào chúng ta chẳng thay đổi thói quen, thậm chí nhiều thói quen còn rất thú vị ấy chứ. Vấn đề là ta đã bị nhồi sọ rằng PMO là một thói quen — và rằng thói quen thì rất khó bỏ.
Thói quen có thực sự khó bỏ không? Khi bạn bắt đầu một công việc mới, lịch làm việc thay đổi — và thói quen cũng thay đổi theo. Có thể sẽ mất chút thời gian để làm quen, nhưng điều đó chẳng thể sánh với việc phá bỏ cơn nghiện porn kéo dài cả đời. Chúng ta tạo lập và phá vỡ thói quen hàng ngày, vậy tại sao chúng ta lại thấy khó khăn khi từ bỏ một thói quen khiến ta cảm thấy thiếu thốn khi không có nó, tội lỗi khi có nó, một thói quen mà chúng ta rất muốn bỏ, trong khi tất cả những gì chúng ta cần làm chỉ là ngừng làm điều đó?
Sự thật là porn không phải thói quen, mà là NGHIỆN! Đó là lý do tại sao bạn cảm thấy rất khó để 'từ bỏ'. Hầu hết người nghiện không hiểu về chứng nghiện và tin rằng họ cảm thấy porn giúp họ thoải mái hơn, đỡ stress hơn. Họ tin rằng họ đang phải thực sự hy sinh nếu họ dừng việc xem porn lại.
Sự thật tuyệt vời là một khi bạn hiểu bản chất thực sự của chứng nghiện porn và lý do tại sao bạn tiêu thụ nó, bạn sẽ ngừng xem porn, chỉ vậy thôi. Trong vòng ba tuần, điều lạ kỳ duy nhất sẽ là tại sao bạn thấy cần phải xem porn và tại sao bạn không thể thuyết phục những người nghiện khác cảm thấy thật tuyệt khi không còn là một PMOer nữa!
Cái bẫy nham hiểm
Porn trên internet là một cái bẫy tinh vi và nguy hiểm — được kết hợp khéo léo giữa bản năng con người và sự phát triển của công nghệ. Một số người trong chúng ta có thể từng được cảnh báo về hậu quả, nhưng vẫn không thể tin nổi rằng thứ này chẳng mang lại chút niềm vui thật sự nào. Thế nhưng, điều gì đã khiến ta dính vào ngay từ đầu? Thường thì đó là những đoạn clip miễn phí — từ nghiệp dư đến chuyên nghiệp — được chia sẻ khắp nơi. Đó chính là cách cái bẫy được giăng ra. Nếu ngay từ lần đầu nhìn thấy, có một cảnh báo rõ ràng về tác hại của thứ ta sắp xem, có lẽ chuông báo động trong đầu sẽ vang lên.
Nhưng hồi chuông cảnh báo đã không vang lên. Có lẽ là do nội dung trong các clip có tính gây sốc lớn nên tâm trí non nớt của chúng ta nghĩ rằng: "Mình thấy ghê tởm thế này cơ mà, nghiện sao được?" — rồi lầm tưởng mình có thể dừng lại bất cứ lúc nào. Hoặc cũng có thể vì những hình ảnh “nhẹ nhàng” ban đầu trông vô hại, chẳng đánh động gì cả — giống như một màn trình diễn khéo léo của kẻ lừa đảo, dẫn dắt tâm trí ta từng chút một. Nếu lúc đó ta đủ tỉnh táo để hiểu, có lẽ ta sẽ nhận ra một sự thật phũ phàng: một nửa dân số trưởng thành đang tự đẩy mình vào vòng nghiện ngập, nghiện một thứ mà bào mòn chính cái khả năng thực hiện những hành vi mà họ đang xem trên màn hình. Sự tò mò dẫn ta tới ngưỡng cửa của cơn nghiện, nhưng ta vẫn chần chừ, chỉ dám liếc qua những hình thu nhỏ (thumbnail) đầy hấp dẫn, vì sợ rằng chúng sẽ khiến bạn dấn thân vào con đường đồi bại và đầy nguy hiểm. Nếu bạn vô tình nhấp vào một trang, mong muốn duy nhất của bạn là thoát khỏi trang đó càng sớm càng tốt, đồng thời nó lại càng khiến bạn trở nên tò mò và ham muốn hơn nữa.
Một khi quá trình này bắt đầu, chúng ta đã rơi vào bẫy rồi. Từ đó trở đi, chúng ta dành cả đời để cố gắng hiểu tại sao mình lại làm vậy, ngăn con cái không xem, và thỉnh thoảng cố gắng tự cố thoát khỏi cạm bẫy đó. Cái bẫy được thiết kế sao cho chúng ta chỉ cố gắng dừng lại khi có một 'sự cố' xảy ra, có thể là yếu sinh lý, thất nghiệp, thất tình. Ngay sau khi dừng xem porn lại, chúng ta lại phải chịu thêm căng thẳng do hội chứng cai nghiện gây ra, và phương pháp mà chúng ta từng dựa vào để giải tỏa căng thẳng giờ đây không còn nữa.
Quyết tâm dừng xem porn của chúng ta có vẻ khá yếu đuối. Sau vài ngày giằng co đầy mệt mỏi, ta tự thuyết phục mình rằng đã chọn sai thời điểm để dừng, rồi quyết định chờ đến lúc không còn áp lực nữa mới bắt đầu lại. Nhưng khi khoảng thời gian ấy đến, lý do ban đầu để thoát khỏi porn lại biến mất. Dĩ nhiên, cái “lúc hoàn hảo” ấy sẽ không bao giờ thực sự đến. Ta bắt đầu nghĩ rằng cuộc sống mình ngày càng căng thẳng hơn. Ta rời khỏi vòng tay cha mẹ, rồi công việc, nhà cửa, nợ nần, chuyện dựng vợ gả chồng, nuôi dạy con cái… bắt đầu dồn dập kéo đến. Nhưng đó chỉ là ảo tưởng. Thực tế, giai đoạn căng thẳng nhất trong cuộc đời của bất kỳ sinh vật nào chính là thời thơ ấu và thời niên thiếu.
Chúng ta có xu hướng nhầm lẫn giữa trách nhiệm và cảm giác căng thẳng. Cuộc sống của một người xem porn — cũng giống như người nghiện ma túy — tự động trở nên căng thẳng hơn, bởi lẽ porn không hề giúp thư giãn hay giảm stress như nhiều người vẫn tưởng. Ngược lại hoàn toàn, nó khiến ta căng thẳng hơn, mệt mỏi hơn sau mỗi lần thức khuya trong cảm giác tội lỗi. Ngay cả những người từng thoát được — và hầu hết đều từng thử một vài lần trong đời — cũng có thể sống rất ổn, rất hạnh phúc… rồi bỗng nhiên bị cuốn trở lại. Lạc bước vào mê cung của porn, tâm trí ta trở nên mơ hồ, mệt mỏi, và phần đời còn lại chỉ là cuộc vật lộn để thoát ra. Nhiều người đã thành công — chỉ để rồi một lúc nào đó, lại rơi vào cái bẫy tinh vi đó một lần nữa.
Giải quyết vấn đề nghiện porn giống như một câu đố phức tạp. Ban đầu có vẻ khó hiểu, nhưng một khi đã nhìn ra lời giải, mọi thứ trở nên đơn giản và hợp lý đến mức khiến ta tự hỏi vì sao mình không nhận ra sớm hơn. EasyPeasy cung cấp lời giải cho bài toán này — dẫn bạn ra khỏi mê cung và không còn quay trở lại. Tuy nhiên, để điều đó xảy ra, bạn cần thực hiện chính xác từng hướng dẫn được đưa ra. Nếu bạn bỏ qua các chương, hoặc đọc lướt qua mà không dành đủ sự tập trung ngay từ lần đầu tiên, phần còn lại của hướng dẫn đều sẽ vô nghĩa.
Bất cứ ai cũng có thể thấy việc dừng xem porn dễ dàng, nhưng trước tiên chúng ta phải đưa ra các dẫn chứng. Không phải những dẫn chứng để dọa bạn, đã có quá nhiều những cái dẫn chứng đó ở ngoài kia. Nếu nó giúp bạn thoát porn, bạn đã không còn xem porn nữa rồi. Nhưng tại sao chúng ta thấy khó dừng xem porn lại? Trả lời điều này đòi hỏi chúng ta phải biết lý do thực sự mà chúng ta vẫn xem porn, có hai yếu tố. Đó là:
- Ảnh hưởng tự nhiên và porn trên mạng.
- Sự tẩy não từ xã hội.
Những người nghiện porn là những cá thể thông minh và lý trí. Họ biết rằng mình đang phải đối mặt với những rủi ro to lớn trong tương lai, vì vậy họ dành nhiều thời gian để hợp lý hóa 'thói quen' của mình. Nhưng những người nghiện porn trong thâm tâm của họ biết họ là những kẻ đần, họ biết rằng họ không cần thiết phải xem porn trước khi bị nghiện. Nhiều người còn nhớ lần đầu tiếp xúc với nội dung này là một trải nghiệm pha lẫn khó chịu và tò mò. Sau đó, họ dần dấn sâu hơn — tìm kiếm, lựa chọn, lưu lại các trang web — và từng bước hình thành nên sự lệ thuộc.
Một điều khiến nhiều người cảm thấy bối rối là: những người không nghiện — như phụ nữ, người lớn tuổi, hoặc những ai sống ở nơi không phổ biến internet tốc độ cao — vẫn sống bình thường, không hề cảm thấy họ cần phải xem porn. Khi phân tích kỹ hơn hai yếu tố ở trên trong những chương tiếp theo, bạn sẽ hiểu rõ hơn về bản chất của chiếc bẫy mà mình đã rơi vào.